THƯ CHO ÔNG SINNETT

 

 

 

Thư 30 – Nhận khoảng 4-11-1881
Đây là thư của HPB cho ông Sinnett. Bà đã rời Simla nơi ông có nhà nghỉ hè và đang đi lên phía bắc Ấn. Thư của bà ghi lại lời đọc của đức M. trả lời thư của ông. Ông cũng đã rời Simla để quay về nhà ở Allahabad.

Dehra Dun, 4-11-1881
...
Chót hết tôi gặp đức M. và đưa ngài xem thư của ông Benemadhab mà ông có ghi thắc mắc trên đó. Đức M. trả lời thắc mắc này, đọc cho tôi viết.
...
Ta (đức M.) có viết cho ông Sinnett ý kiến của ta về hội viên tại Allahabad (không phải qua tôi - HPB - phải không ?). Adityaram B. viết một thư ngốc nghếch cho Damodar và Benemadhab viết một câu hỏi khờ khạo cho ông Sinnett. Vì ngài K.H. chịu liên lạc thư từ với hai người (ông Hume và Sinnett) tỏ ra vô cùng quan trọng và hữu dụng cho Hội, tất cả ai khác - khôn ngoan hay ngu dốt, khéo léo hay đần độn, có thể hữu ích hay thật là vô dụng - đều đòi hỏi cũng được liên lạc thẳng với Chúng Ta.
Hãy nói với ông (Sinnett) rằng điều này phải được chấm dứt. Từ lâu lắm rồi Chúng Ta không hề liên lạc thư từ với ai, và cũng không muốn làm vậy. Benemadhab hay ai khác trong số những người yêu cầu đã làm gì để có quyền đòi hỏi như vậy ? Không có chút gì hết. Họ gia nhập Hội và khăng khăng giữ y niềm tin lâu đời cùng lòng mê tín dị đoan của họ, không hề từ bỏ giai cấp hay chỉ một tục lệ của họ; những người này với lòng phân biệt ích kỷ, muốn được gặp và trò chuyện với Chúng Ta, và được Chúng Ta giúp đỡ đủ mọi chuyện.
Ta rất vui lòng nếu ông Sinnett nói điều sau cho mỗi ai muốn đòi hỏi việc tương tự:
- 'Các vị Huynh Trưởng' muốn tôi cho tất cả các bạn, người bản xứ,  hay rằng trừ phi người ta sẵn sàng trở thành một người Thông Thiên Học hoàn toàn, làm như Damodar đã làm – là từ bỏ hẳn giai cấp của mình, mê tín dị đoan cổ xưa, và chứng tỏ mình là người cải cách thực sự (nhất là về việc thành hôn cho trẻ con), họ vẫn chỉ là hội viên của Hội và không có hy vọng được các ngài trả lời.
Hội không ép buộc ai phải trở thành hội viên thuộc cấp II, và về mặt ấy xử sự trực tiếp thuận theo lệnh của Chúng Ta. Mỗi người tự mình chọn lựa và quyết định. Chỉ vô ích khi hội viên tranh cãi rằng:
- Tôi sống đời trong sạch, không rượu thịt, tật xấu. Trọn ước vọng của tôi đều tốt lành v.v.
mà cùng lúc có hành động và cách xử sự tạo nên rào cản không vượt qua được trên đường giữa họ và chúng ta. Chúng Ta, đệ tử của các vị La Hán chân thực, của Phật giáo bí truyền và của Tăng già, có liên quan gì với Shastra và người Bà La Môn chính thống ? Có hằng trăm ngàn tỳ kheo, thuật sĩ, người tu hạnh đầu đà sống đời trong sạch nhất, thế nhưng như vậy lại theo đường sai lầm, và không hề có cơ hội được gặp, thấy mặt hoặc ngay cả nghe nói về Chúng Ta.
Cha ông của họ đã xua đuổi khỏi Ấn Độ các tín đồ của triết lý chân thực duy nhất trên đời, và nay không phải kẻ sau đến với họ, mà là họ đến với Chúng Ta nếu muốn có Chúng Ta. Ai trong số ấy sẵn sàng thành Phật tử, thành Nastika như họ gọi Chúng Ta ? Không có ai cả. Những ai tin và theo Chúng Ta đã nhận được phần thưởng của họ. Riêng hai ông Hume và Sinnett là ngoại lệ. Niềm tin của hai ông không là chướng ngại cho Chúng Ta vì họ không có tin tưởng gì.
Họ có thể có ảnh hưởng chung quanh mình, phát ra từ lực xấu vì uống rượu, có tiếp xúc chung chạ về mặt vật chất (do ngay cả việc bắt tay ai không thanh khiết), nhưng mọi chuyện ấy là trở ngại vật chất và xác thân, mà cố gắng một chút thì Chúng Ta giải trừ và luôn cả việc tống khứ mà không gây thiệt hại cho Chúng Ta. Chuyện không được thế với từ điển và kết quả vô hình sinh ra do niềm tin chân thành mà sai lạc. Niềm tin vào thần thánh và Thượng đế, và những mê tín dị đoan khác thu hút hằng triệu ảnh hưởng ngoại lai, các thực thể sống động và tác nhân mạnh mẽ chung quanh họ; Chúng Ta phải dùng quyền năng hơn lúc thường để xua đuổi chúng.
Chúng Ta chọn không làm điều ấy. Chúng Ta không thấy nó cần hoặc có lợi khi mất thì giờ gây chiến với những thực thể chưa tiến hóa, ưa thích thần thánh cá nhân, và đôi khi những nhân vật đã sống trên địa cầu và được nhiều người biết tới. Có những đấng Dhyan-Chohan và 'Chohan của Bóng Tối', nó không có nghĩa là ma quỉ mà là những thực thể chưa toàn  thiện, chủ trì giai đoạn ngơi nghỉ pralaya của vũ trụ, trong khi các Vị Dhyan Chohan chủ trì giai đoạn linh hoạt manvantara.
Hãy giải thích điều ấy với ông Sinnett (tôi - HPB - không làm được), bảo ông đọc lại những gì ta đã nói với hai ông trong vài điều ta giải thích cho ông Hume, và nhắc ông nhớ rằng giống như  mọi điều trong vũ trụ này có sự tương phản, sự sáng của các vị Dhyan Chohan và hiểu biết thanh khiết của các ngài có đối chọi là các 'Ma-Mo Chohan' và hiểu biết phá hoại của họ. Ấy là các thần thánh của người theo Ấn giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo và tất cả những ai theo các tôn giáo, giáo phái cuồng tín đang thờ phượng; và bao lâu mà ảnh hưởng của họ đối với tín đồ còn được duy trì, Chúng Ta không thể tính chuyện liên kết với họ, hoặc đảo ngược lại việc làm của họ, tương tự như với phái Mũ Đỏ (của Tây Tạng). Chúng Ta tìm cách giảm thiểu hệ quả xấu xa của họ, nhưng không có quyền can thiệp vào việc làm của họ, bao lâu mà họ không xen vào con đường của ta.
(Tôi - HPB -  nghĩ ông - chỉ ông Sinnett - sẽ không hiểu điều ngài nói. Nhưng suy gẫm kỹ rồi ông sẽ hiểu. Đức M. muốn nói là các ngài không có quyền, và luôn cả không có quyền năng đi ngược lại thiên nhiên, hay công việc giao cho mỗi cấp sinh vật hay vật đang có theo luật thiên nhiên. Thí dụ các ngài có thể kéo dài sự sống, nhưng không thể hủy diệt cái chết, dù đó là cho chính các ngài. Các ngài có thể làm giảm sự xấu và bớt đi sự đau khổ tới một mức nào đó; mà không thể diệt trừ cái xấu. Các vị Dhyan Chohan cũng không thể làm hơn khi ngăn cản công việc của các Mamo Chohan, vì luật của các vị sau này là bóng tối, vô minh, tàn phá v.v., tựa như luật của các vị đầu là sự Sáng, hiểu biết và tạo tác. Vị Dhyan Chohan tương ứng với Buddh bồ đề tâm, Minh Triết Thiêng Liêng và sự Sống có hiểu biết an lạc, còn vị Mamo là hiện thân trong thiên nhiên của Shiva đấng Hủy Diệt, Jehovah và những quái vật khác do vô minh tạo ra)
...
Có vài điều để nói về thư này.
1. Có hai chi bộ tại Allahabad, một là chi bộ Anh-Ấn có hai ông Hume và Sinnett, và hai là chi bộ Prayaga gồm phần lớn là người bản xứ theo Ấn giáo (thành lập ngày 6-11-1881). Thư này về sau được gọi là thư Prayaga.
2. Damodar được nêu làm gương cho hội viên trong chi bộ Prayaga vì một số điều anh làm khi gia nhập Hội. Anh thuộc giai cấp cao theo Ấn giáo nhưng từ bỏ giai cấp của mình khi vào Hội; theo tập tục cha mẹ đã hứa hôn cho anh lúc còn rất nhỏ, khi làm việc cho Hội Damodar cho gia đình hay anh muốn hủy bỏ cuộc hôn nhân này, và đồng thời dàn xếp để gia đình chu cấp cho cô gái lấy từ phần gia tài mà anh cũng đã từ khước không nhận.
3. Chữ Nastika thực ra không có nghĩa 'vô thần' như ta hiểu ngày nay, mà nó được hiểu như là việc bác bỏ ngẫu tượng, thần nhân do con người đặt ra. Theo nghĩa đó thì mỗi huyền bí gia là một nastika (Secret Doctrine, 1:279).
4. Hội có ba cấp, cấp I là các Chân sư, cấp II là ai liên lạc trực tiếp với các ngài, cấp III là hội viên thường.

Thư  31 – Nhận tháng 11-1881.
Đây là một thí dụ về việc ngày tháng ghi thiếu chính xác. Ở đầu thư ông Sinnett ghi là nhận khoảng tháng hai, 1882; tuy nhiên nội dung cho thấy nó phải được nhận trước giữa tháng 11-1881, có lẽ khoảng ngày 9 hay 10.
Thư cho thấy những ngày đầu gian nan của Hội trên đất Ấn. Vào lúc này hai vị sáng lập là ông Olcott và bà Blavatsky bị nhiều cuộc tấn công của báo chí. Đức M. nhận xét:
– Hãy theo dõi báo chí, chỉ trừ hai hay ba tờ, HPB bị chế diễu khi không bị lăng mạ nặng nề; ông Olcott thì bị báo chí và các nhà truyền giáo tấn công. Hiếm có ngày nào mà báo tại Lahore không có cuộc tấn công này hay kia, và báo khác trích đăng lại v.v.
Thư cho một giải thích về khả năng thông nhãn và thông nhĩ.
... Có một luật tổng quát về thị giác (cõi trần và tinh thần) và luật đặc biệt chứng tỏ rằng mọi hình ảnh phải được xác định bằng phẩm chất hay mức tinh thần của linh hồn một ai, và cũng bằng khả năng diễn dịch đặc tính của sóng của chất liệu cõi cao thành tâm thức.
Chỉ có một luật tổng quát về sự sống, nhưng có vô số luật chi phối và xác định muôn hình vạn trạng ta thấy và âm thanh ta nghe. Có những người sẵn lòng mù quáng và người khác không sẵn lòng. Người đồng thuộc về loại trước, ai nhậy cảm loại sau. Trừ phi được chỉ dẫn và huấn luyện thường xuyên để có nhận thức tinh thần về sự vật và được khải thị, như đã xẩy ra qua bao thời đại từ Socrates tới ngày nay, chưa ai tự mình phát triển thông nhãn hay thông nhĩ mà thấy hay nghe đúng cả.
Để hiểu thêm ý trên thì sách vở của nhiều tác giả trong Hội thường nhấn mạnh đến việc cần có thầy chỉ dẫn, cũng như cần có tập luyện, kỷ luật để có được hiểu biết tinh thần chân thực.

Thư 32 – Nhận tháng 11, 1881
Đây là một thư ngắn, nói về việc có thể có một chi bộ cho riêng phái nữ. Đức M. đề nghị ông Sinnett nói chuyện với ông Hume và xem có thể thúc giục ông soạn thử các điều lệ cho chi bộ này.

Thư 33 – Nhận tháng 12-1881.
Như các thư trước, thư này cũng ghi sai ngày nhận là tháng 2-1882, nhưng chuyện trong thư cho thấy đó là tháng 12-1881, có lẽ là ngày 10.
Đề nghị lập chi bộ cho nữ giới được hoan nghênh vì:
... Chúng tôi nhìn nhận việc ấy có thể mang lại chuyện tốt lành lớn lao, nữ giới có ảnh hưởng đáng kể với con cái của họ và các ông trong nhà ... Đức K.H. luôn cảm thấy có nhu cầu đem phụ nữ vào Hội, nhưng sẽ không hề xen vào chuyện của họ. Có cơ may là bạn có thể giúp ngài.
Ngài cho nhận xét về Hội:
... Tình trạng là như vầy, ai gia nhập Hội với chỉ một mục tiêu duy nhất ích kỷ là có được quyền năng, có chủ đích là khoa học huyền bí thì tốt hơn đừng vào Hội, họ sẽ chuốc lấy sự thất vọng nhiều như ai lầm tưởng rằng Hội không là gì khác. Chỉ bởi họ giảng quá nhiều về các vị 'Huynh Trưởng' (tức các Chân Sư) mà nói quá ít về tình huynh đệ đại đồng, nếu có nói, nên bị thất bại.
Chúng Tôi đã nhắc tới lui bao lần rằng ai gia nhập Hội với mục đích duy nhất là muốn được tiếp xúc với Chúng Tôi, và nếu ít nhất không tự mình đoan chắc về thực tại của những quyền năng ấy và sự hiện hữu của Chúng Tôi, là đang theo đuổi ảo ảnh. Vậy tôi xin lập lại điều ấy. Chỉ những ai có tình thương nhân loại trong tâm, ai có thể nắm lấy trọn vẹn ý tưởng tái tạo tình huynh đệ thực hành, mới là người được phép sở hữu những bí mật của chúng tôi. Chỉ có người như thế mới không hề lạm dụng quyền năng của mình, vì không sợ là anh sẽ dùng chúng cho mục tiêu ích kỷ. 
Ai không đặt điều tốt lành cho nhân loại lên trên điều tốt lành của riêng mình thì không xứng đáng thành chela - đệ tử của chúng tôi; anh không xứng đáng có được hiểu biết cao hơn người bên cạnh. Nếu mong muốn có hiện tượng, hãy để anh thỏa mãn với trò đùa của thông linh học. Thực trạng là như thế. Đã có lần tại Sri Lanka khắp nơi chỉ có một đức tin, một lời kêu gọi là cứu vớt nhân loại khỏi những khổ nàn do vô minh, nhân danh đấng đã dạy trước tiên sự liên đới của mọi người. Giờ chuyện xẩy ra sao rồi ? ...
Nay chúng ta ở giữa một dân tộc có tranh chấp, những người cứng đầu, thiếu hiểu biết muốn tìm chân lý mà không thể tìm ra, vì mỗi người tìm nó chỉ để có lợi và thỏa mãn cho riêng mình, không hề nghĩ đến kẻ khác. Liệu bạn, hay đúng hơn là họ, có hề thấy ý nghĩa thật và lời giải thích của sự tàn phá và tuyệt vọng đã tới đất nước của Chúng Tôi và đe dọa mọi đất nước, trước tiên là đất nước của bạn ?
Chính lòng ích kỷ và phân biệt đã giết chết đất nước Chúng Tôi, và sẽ giết chết đất nước bạn, cộng thêm với vài khuyết điểm khác mà tôi sẽ không nêu ra. Thế giới đã che khuất ánh sáng của hiểu biết chân thực, và lòng ích kỷ sẽ không cho phép nó chỗi dậy trở lại, vì nó loại trừ tất cả và sẽ không nhìn nhận sự liên kết với tất cả ai khác sinh ra theo cùng một luật thiên nhiên bất biến.
Bạn đã lầm nữa rồi. Tôi có thể trách lòng 'hiếu kỳ' của bạn khi tôi biết nó không có lợi gì. Tôi không thể xem việc tự do dùng khả năng trí tuệ để lý luận là 'vô phép'. Bạn có thể nhìn sai lạc một chuyện và thường khi nhìn như vậy. Nhưng bạn không tụ hết ánh sáng vào chính bạn như vài người khác làm, và đó là phẩm cách vượt trội mà bạn có, so với những người Âu châu khác chúng tôi biết.
 Bạn có lòng quí mến ngài K.H. chân thực và nồng nàn, và đó là đức tính cứu vớt bạn trong mắt tôi. Vậy tại sao bạn chờ đợi câu trả lời của tôi với sự hồi hộp chứ ? Dù có chuyện gì xẩy ra hai chúng tôi vẫn luôn là thân hữu của bạn.

Thư nhắc lại rõ ràng  mục đích của Hội, những điều người ta không nên mong chờ khi gia nhập Hội, và điều kiện cho ai muốn thụ đắc hiểu biết bí truyền. Chúng đúng vào lúc ngài viết và nay gần 140 năm sau ý nghĩa giữ nguyên không thay đổi, và vẫn còn giá trị. Tiêu chuẩn này còn giúp đánh giá các tổ chức tinh thần khác hiện có đầy dẫy thật giả khó phân, tránh cho người nhiệt tâm không bị sai lầm trong việc tìm thầy, tìm chân lý.

Thư 34 – Nhận tháng 12-1881.
Thư 34 và 35 nên đọc chung với nhau vì phần lớn của hai thư cùng bàn một việc là HPB bị công kích. Đó có thể là chuyện cá nhân của bà, tuy nhiên khi đặt sự kiện vào khung cảnh rộng lớn hơn là phong trào Theosophia đang đặt nền móng trên đất Ấn, ta thấy thuở ban đầu của Hội quả thật gian nan. Nhận xét ấy làm tăng sự kính phục của người ngày nay đối với công trình của HPB và ông Olcott, cùng lòng biết ơn hai vị đã kiên trì khi gặp thử thách cam go, giữ cho Hội đứng vững, sống còn sau hết giông tố này đến bão táp khác.
Bà Blavatsky bị tấn công trên báo chí nên có ý kiện ra tòa tờ báo đăng bài vu khống. Đức M. viết:
– Nếu bạn muốn hỏi xin lời cố vấn của tôi, trước tiên hết thẩy cần xác định tình trạng đúng và thực sự. Tôi đã có lời thệ nguyện lập hạnh 'La Hán' nên không thể báo thù hay giúp người khác trả thù. Tôi có thể giúp bà phí tổn chỉ khi nào biết là không có một xu được dùng cho mục đích không lành, và trả thù là chuyện không lành. Tuy nhiên ta có việc chống trả và bà có quyền đó. Bà phải có chống trả và được xử là đúng lý trọn vẹn, và ấy là lý do tôi gửi bức điện tín đề nghị trước khi nộp đơn kiện.
Bà có quyền đòi hỏi tờ Statesman rút lại bài báo và đe dọa sẽ kiện; và bà cũng có thể khởi sự đơn kiện - vì ông ta (người viết bài lăng mạ) sẽ rút lại bài báo .... nhưng cần phải làm tối đa vào lúc này bằng không sẽ mất cơ hội. Vậy, nếu một lần nữa bạn chịu có lời khuyên của tôi ... hãy tìm chi tiết về kết toán trên tờ Theosophist, dùng tài liệu đó và bài tấn công để viết một thư gay gắt thay cho bà, ký tên bà và ông Olcott. Thư này có thể được đăng trước tiên trên tờ Pioneer, hoặc nếu ông không muốn, trên một tờ báo khác, nhưng trên hết thẩy phải in ra như thư luân lưu và gửi đến tất cả báo trong nước. Trong thư hãy đòi có việc rút lại lời cáo buộc trên tờ Statesman và đe dọa sẽ đưa ra tòa. Nếu ông làm như thế tôi hứa là sẽ thành công.
Cuối thư, ngài lộ ra đặc tính rất 'người' của bậc cao cả, làm chúng ta quí mến Chân sư nhiều lần hơn.
... Nay tôi phải lo bữa tối, và e rằng bạn sẽ không thích nó chút nào.
và ngài cũng lộ óc hài hước:
– Anh bạn trẻ bị truất gia tài (chỉ đức D.K.) đã khởi sự đi đứng trở lại được rồi. Ông có muốn anh viết thư cho ông chăng ? Nếu như vậy, tốt hơn nên có bài trên báo Pioneer, đặt câu hỏi về việc có nên cộng tác với Trung Hoa về việc lập dịch vụ bưu chính đều đặn giữa Prayag (một tên khác của Allahabad – nơi ông Sinnet cư ngụ) và Shigaste (nơi cư ngụ của đức Ban Thiền Lạt Ma Panchen Lama, có tu viện Tây tạng quan trọng và hai chân sư thường lui tới).
Trong thời gian này bà Blavatsky và ông Olcott có nhiều việc phải chống đỡ như hai thư 30 và 31 cho biết. Riêng HPB ít nhất cần có hành động về hai mặt, một là chứng tỏ gốc gác, lai lịch của mình nhằm làm vô hiệu cáo buộc bà làm gián điệp cho Nga, và thứ hai là chứng tỏ tư cách bà đối với những lời cáo gian trên báo.
Để làm chuyện đầu, bà nhờ cậu là tướng Rostislav Andreyvich de Fadeyev, một nhân vật cao cấp trong quân đội Nga, và hoàng thân gửi thư cho ông Sinnett xác nhận lai lịch, gốc gác của bà với ông. Kế nữa, bà dì Nadejda Fadeyev của HPB cũng liên lạc với ông để cho chi tiết và hình về cô cháu gái Helena. Nhân có việc trao đổi thư từ này, đức M. nhờ ông Sinnett viết cho bà Nadejda là 'Xếp' (chữ của bà dì Nadya dùng để nói về đức M.) của cháu gái bà, người đã tới gặp bà ba lần, có nói chuyện với ông Sinnett về bà. Việc đức M. cho biết đã gặp bà Nadya ba lần là chuyện lý thú, vì nó ứng với thư viết của bà Nadya, kể rằng khi Helena Blavatsky vắng nhà lâu và gia đình lo lắng, có một người Á đông tới đưa thư và biến mất trước mặt bà.
Chi tiết chót trong thư cần giải thích là câu nói về đức Djwal Khul (D.K.). Ngài là đệ tử của đức K.H. và được gọi một cách thương mến là Benjamin hay 'the Disinherited - kẻ bị truất gia tài'. Có cách gọi sau vì chuyện kể là lúc trẻ, ngài không nghe lời can ngăn mà nhất định rời gia đình để theo học với đức K.H., ông nội không vui nên truất quyền thừa huởng của cháu. Ta được cho hay là phe tà đạo luôn tìm cách hãm hại ai làm việc cho thiên cơ, vì lẽ ấy đức D.K. bị tấn công trên đường đèo làm ngã và bị thương ở chân. Đoạn cuối trong thư trên cho biết tình trạng của ngài đã khá dần.

Theo:
The Mahatma Letters to A.P. Sinnett in chronological order.
(còn tiếp)

(Xem Thư  cho  Ông  Sinnett  trong mục Sách Dịch)